Vào năm 1827, dưới triều vua Minh Mạng, một công trình dạng đài thiên văn lần đầu tiên được xây dựng tại Kinh thành Huế và đặt tên là Quan Tượng Đài. Các vua chúa và quan lại triều đình thường xuyên lên đây để xem các hiện tượng thiên văn, ngắm cảnh. Trước đó, ở Kinh đô Thăng Long (Hà Nội), thời Lê (1428 - 1788) đã có một đài thiên văn nhưng đã mất hoàn toàn dấu vết, giờ chỉ còn là tên của một con phố.
Phối cánh Quan Tượng Đài tại Kinh thành Huế
Quan Tượng Đài và các hoạt động nơi đây thuộc sự quản lý của Khâm Thiên Giám. Những hiện tượng thời tiết thông thường như mưa, nắng, gió và các hiện tượng bất thường như hạn hán, lũ lụt đã được ghi nhận từ đây rồi báo cáo về cho vua nhằm có kế hoạch ứng phó trong triều đình và dân chúng. Những kết quả dự báo từ Quan Tượng Đài chứng minh sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân, và là một bước tiến rõ rệt về khoa học kỹ thuật thời bấy giờ.
Quan Tượng Đài - Đài thiên văn cổ duy nhất còn lại tại Việt Nam
Nhằm phát huy giá trị của đài thiên văn cổ duy nhất còn lại tại Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty CP Tư vấn & Phát triển Kỹ thuật Tài nguyên nước (WATEC) cùng với các đơn vị liên quan đã tích cực tham gia, cùng phối hợp tổ chức khảo sát nghiên cứu, thiết kế và tiến hành lắp đặt trạm đo mưa tự động Vrain phù hợp với không gian và không phá vỡ cảnh quan di tích.
Trạm đo mưa tự động Vrain đặt tại Quan Tượng Đài - Kinh thành Huế
Trạm đo mưa tự động tại Quan Tượng Đài này sẽ cung cấp thông tin đo mưa theo thời gian thực nhằm phục vụ cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguồn: Tổng hợp